Chuyển đổi số cấp xã là một nhu cầu tất yếu và cấp thiết

Cỡ chữ

Đăng lúc 19:49:56 ngày 17/03/2024 | Lượt xem 1371

Tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/3, đại diện Cục Chuyển đổi số Quốc gia đã trả lời các câu hỏi liên quan đến việc tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình "xã thông minh" trong Chiến lược Chuyển đổi Số Quốc gia; khẳng định xây dựng "xã thông minh" hay chuyển đổi số cấp xã là một nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong đó lấy "người dân làm trung tâm."

Hướng tới hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã

Theo đại diện Cục Chuyển đổi Số Quốc gia, việc xây dựng mô hình "xã thông minh" trong Chiến lược Chuyển đổi Số Quốc gia nói chung cũng như xây dựng nông thôn mới nói riêng nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã "thông minh hơn."

Bên cạnh đó, việc này góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng công nghệ số để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị nông sản, mở rộng giao dịch trên mạng Internet cũng như nâng cao chất lượng đời sống của người dân như về y tế, giáo dục... và nhiều lĩnh vực khác.

Việc xây dựng "xã thông minh" hay chuyển đổi số cấp xã là một nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong đó lấy "người dân làm trung tâm," với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa nông thông-thành thị thông qua việc ứng dụng công nghệ số để mang lại nhiều tiện ích, phát triển kinh tế số và xã hội số để người dân ở các làng xã giàu có hơn, hạnh phúc hơn.

Khó khăn trong chuyển đổi số ở cấp xã được đại diện Cục Chuyển đổi Số Quốc gia chỉ ra là nhận thức của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn chưa đầy đủ về chuyển đổi số cũng như các nội dung liên quan như xây dựng chính quyền số, hạ tầng số, kênh giao tiếp với người dân, đưa người dân lên các sàn thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu địa phương trên Internet và các dịch vụ thông minh.

 

 

Bên cạnh đó, sự vào cuộc, quyết tâm chính trị về chuyển đổi số của lãnh đạo cấp xã còn chưa quyết liệt; một số xã do chưa được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm nên việc triển khai còn chậm và không đồng bộ. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn lực (nhân lực, kinh phí đầu tư). Ngoài vấn đề lớn là kinh phí, phần lớn cán bộ làm công tác tham mưu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan chỉ thực hiện nhiệm vụ phụ trách, kiêm nhiệm, nên việc chủ động tham mưu triển khai xây dựng chính quyền số còn chưa kịp thời...

Thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị

Đối với giải pháp để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị thông qua thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã (là đơn vị hành chính thấp nhất ở Việt Nam, bao gồm cả xã, phường và thị trấn), đại diện Cục Chuyển đổi Số Quốc gia cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều bước triển khai cụ thể thông qua các chương trình thí điểm chuyển đổi số cấp xã, hay lồng ghép vào các chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.

Cụ thể, Cục Tin học hóa và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn mô hình thí điểm xây dựng xã thông minh; phối hợp triển khai thí điểm chuyển đổi số tại một số xã trên địa bàn các tỉnh. Qua quá trình triển khai nhiều địa phương đã có những kết quả nhất định.

Từ chương trình thí điểm này, nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng các kết quả thí điểm và thành công bước đầu trên địa bàn toàn tỉnh. Điển hình là ở Ninh Bình theo kế hoạch đến hết năm 2024 hoàn thành 100% chuyển đổi số cấp xã theo phiên bản 1.0. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã ban hành công văn hướng dẫn tạm thời về triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.

Ngoài các xã đã được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh, xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí như xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 hoặc xã có khả năng áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ số và trong lĩnh vực nổi trội, hoặc có các điều kiện khác về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực hay tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh...

Năm 2023, Cục Chuyển đổi Số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo "Ban hành Khung tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã đoạn 2023-2025 (Phiên bản 1.0);" đồng thời xin ý kiến các bộ, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

 

 

Khung tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã đã bao hàm việc nội dung xây dựng Bộ tiêu chí tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện. Năm 2024, Cục Chuyển đổi Số Quốc gia sẽ trình ban hành văn bản này. Khung tiêu chí này hiện đang trong quá trình hoàn thiện trước khi trình ban hành chính thức.

Thời gian trước, các Bộ Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ mới có các văn bản hướng dẫn về việc thí điểm (không phải các tiêu chí bắt buộc) tuy nhiên một trong những nội dung xuyên suốt của các văn bản này là "lấy người dân làm trung tâm" cũng như đưa ra một số các tiêu chí cơ bản lấy từ các định hướng chung trong các Quyết định, chiến lược, kế hoạch về chuyển đổi số để triển khai thí điểm.

Thời gian tới, sau khi hoàn thiện dự thảo, văn bản "Ban hành Khung tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện và cấp xã (Phiên bản 1.0)" ban hành dự kiến gồm những nhóm tiêu chí: tiêu chí chung, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; mức độ chuyển đổi số bao gồm 05 mức độ: khởi động, kết nối, cơ bản, nâng cao, toàn diện. Mỗi tiêu chí được xác định chỉ tiêu theo từng mức độ, giá trị các chỉ tiêu tăng dần và có bổ sung các tiêu chí khác của mức độ tương ứng.

Văn bản cũng sẽ đưa ra hướng dẫn về phương pháp thu thập, đánh giá tương ứng để các địa phương tham khảo, thực hiện tiêu chí cũng như có những đánh giá mang tính khoa học sẽ có những tiêu chí cụ thể, phương pháp đánh giá đầy đủ.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xuất bản cuốn "Làng số" ra đời tiếp sau cuốn "Cẩm nang chuyển đổi số", viết về những câu chuyện của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống. Mỗi câu chuyện đều khắc họa con người, công việc, vấn đề, cách làm, công cụ cụ thể và kết quản cụ thể. Người dân tự làm để giúp chính mình, sau đó giúp gia đình mình và những người xung quanh, sẽ dần hình thành nên những công dân số, gia đình số, ngôi làng số và quốc gia số.

"Làng số" cũng giới thiệu khoảng 50 câu chuyện điển hình, gắn với hơn 100 con người điển hình, cụ thể. Từng câu chuyện đều gắn với bối cảnh, cách làm và kết quả để người dân, chính quyền tham khảo, học hỏi, áp dụng để lan toả, từng bước thí điểm, nhân rộng, từ đó hình thành nên các làng số trên khắp cả nước.

 

Hiện nay sách điện tử được xuất bản tại địa chỉ https://langso.dx.gov.vn. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai rất nhiều các nội dung theo các quyết định, chiến lược, kế hoạch chung liên quan đến các trụ cột Chính quyền Số, Kinh tế Số, Xã hội Số ở các cấp chính quyền nhằm thu hẹp các khoảng cách này trong đó lấy người dân làm trung tâm, nâng cao chất lượng cuộc sống, sản xuất./.

7/10 457 bài đánh giá

Các tin mới hơn:

Đối tác

Liên kết mạng xã hội

Hỗ trợ Online
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 192
  • Hôm qua: 274
  • Tuần này: 954
  • Tuần trước: 63385
  • Tháng này: 64339
  • Tháng trước: 10595
  • Tổng lượt truy cập: 482667